Ngày 13/4, Báo Tiền Phong và Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”. Đây là sự kiện được tổ chức nằm trong chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban Tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2 bày tỏ, nhiều năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là xu thế, nhiều nơi trên thế giới trở thành phương thức thanh toán chủ đạo, mang lại nhiều tiện ích cho nhiều quốc gia, cá nhân trong quá trình thanh toán.
![]() |
Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban Tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2 phát biểu tại tọa đàm |
Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Báo Tiền Phong coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2 được báo phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức không chỉ giới thiệu quảng bá các ngân hàng mà đây còn là nơi để các ngân hàng giới thiệu thiệu dịch vụ mới nhất của mình.
“Trong vòng 2 năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp vô tình thúc đẩy phương thức TTKDTM. Điều này khiến ngân hàng đã quan tâm nhiều hơn đến phương thức này và 2 năm qua đã đạt bước tiến dài. Để phát triển thành công chuyển đổi số ngân hàng nói chung dựa trên một số nền tảng: Thứ nhất, tạo ra môi trường thuận lợi; thứ hai là xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ phù hợp; thứ ba là làm sao thúc đẩy người tham gia. Các chỉ số tăng trưởng hằng năm không dùng tiền mặt qua điện thoại, internet từ 30% tên 150%. TTKDTM là phương thức thanh toán mới, trong khi đất nước ta một phần đông dân cư chưa tiếp cận công nghệ, điện thoại. Do đó, chúng tôi chức toạ đàm làm rõ hiện trạng chuyển đổi số, những vấn đề đang đặt ra từ đó, kiến nghị giải pháp để góp phần phát triển TTKDTM”, ông Lê Xuân Sơn nói.
Đề cập đến mục tiêu chính của Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, ông Lê Văn Tuyên – Phó Vụ trưởng vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, Đề án hướng tới một số mục tiêu sau: tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM với mức tăng trưởng cao; phổ cập, đưa việc sử dụng các phương thức, phương tiện TTKDTM trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và tạo sự lan tỏa, mở rộng TTKDTM ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Đề án cũng hướng đến ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, phát triển dịch vụ TTKDTM an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng, yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.
Theo đó, phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 – 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 – 100%/năm, qua kênh Internet đạt 35 – 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…
Như vậy, Ngày Thẻ Việt Nam năm nay là chuỗi các sự kiện, hoạt động truyền thông phù hợp và hưởng ứng tích cực chủ trương phát triển TTKDTM của Chính phủ và NHNN theo Đề án phát triển TTKDTM (theo Quyết định 1813/QĐ-TTg) qua đó, tạo cầu nối, khơi nguồn cảm hứng giúp giới trẻ Việt Nam có phong cách sống năng động, hiện đại, am hiểu công nghệ, có nhu cầu cá nhân hóa cao, có cơ hội nắm bắt, khám phá, trải nghiệm những công nghệ thanh toán hiện đại, các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích gắn với thẻ ngân hàng nói riêng và thanh toán số nói chung.
![]() |
Quang cảnh tọa đàm |
Thông tin tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, hiện tại đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 48 địa phương, 15 đơn vị là các bộ/cục/cơ quan cung cấp dịch vụ công để cung cấp dịch vụ dịch vụ thanh toán trực tuyến cho 05 nhóm dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm: nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí và thanh toán phí, lệ phí. Các phương thức TTKDTM do Napas triển khai gồm Thanh toán qua thẻ chip do các ngân hàng phát hành, Thanh toán qua số tài khoản ngân hàng và phương thức thanh toán bằng mã VietQR mới được triển khai phối hợp cùng 2 ngân hàng là NCB và Nam Á Bank vào tháng 1 năm nay.
Thời gian tới, Napas sẽ tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán nhiều dịch vụ như học phí, viện phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó nhân rộng mô hình trên nhiều kênh thanh toán khác.
Tại toạ đàm, chuyên gia, đại diện các ngân hàng thương mại chia sẻ, làm rõ các vấn đề liên quan TTKDTM, thanh toán số, để bạn đọc hiểu rõ hơn về lợi ích của hình thức này.
Nói về các giải pháp khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động TTKDTM, ông Lê Thanh Hà – đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng bày tỏ: Vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro. Với vai trò ngân hàng hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm, nỗ lực giảm chính sách giá đưa đến người dân giá hợp lý và an toàn nhất. Chúng tôi khuyến nghị, sau đại dịch có nhiều khách du lịch vào Việt Nam và người Việt Nam đi nước ngoài. Có sự giao thoa nên xuất hiện thẻ giả, sao chép rút tiền tại ATM. Khi triển khai nhiều thẻ thanh toán, các ngân hàng triển khai chế độ bảo mật cho phép chủ thể cùng ngân hàng kiểm soát giao dịch chủ động như đóng mở thẻ, dịch vụ, hạn mức thanh toán.